GIỚI THIỆU
Từ những năm 30 của thế kỷ trước, với việc GS. Richard Adolf Zsigmondy người Đức chế tạo được màng vi lọc đầu tiên và ngay sau đó được sản xuất thương mại bởi tập đoàn Sartorius, công nghệ màng tiên tiến đã bắt đầu được nghiên cứu và ứng dụng trong xử lý môi trường ở nhiều nước trên thế giới. Đến năm 1960, những tấm màng thẩm thấu ngược (RO) đã được sản xuất và chỉ 25 năm sau, nhà máy xử lý nước ăn uống bằng công nghệ màng tiên tiến đầu tiên đã đi vào hoạt động ở thành phố Saint Gervais, Cộng hòa Pháp, với công suất 180 m 3 /ngày đêm. Cũng thời kỳ này, công nghệ màng cũng bắt đầu được áp dụng ở Nhật Bản để xử lý nước thải của các khu dân cư và tái sử dụng chúng. Đến những năm cuối thế kỷ XX thì khắp các nước Châu Âu, Châu Á, và Mỹ đều ưa chuộng và áp dụng công nghệ màng trong các nhà máy sản xuất nước sạch và các trạm xử lý nước thải có quy mô và công suất lớn. Sở dĩ công nghệ màng được ưa chuộng áp dụng nhiều là do công nghệ màng có nhiều ưu điểm như : quá trình xử lý diễn ra ở nhiệt độ thường, sự tách loại diễn ra mà không làm biến đổi trạng thái của các chất, không sinh ra các sản phẩm phụ độc hại , các thiêt bị màng dễ dàng được modun hóa, do đó dễ dàng triển khai lắp đặt, nâng công suất hoặc kết nối, tích hợp với các thiết bị khác và dễ dàng tự động hóa. Với những ưu thế trên mà ngày nay, công nghệ màng không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực sản xuất nước sạch, nước tinh khiết đóng chai, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải của nhiều ngành công nghiệp như ngành giấy, ngành dệt may, ngành thực phẩm, khử mặn mà còn được áp dụng trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, hóa chất, dược phẩm, chế tạo pin nhiên liệu. Có thể kể ra một số ví dụ tiêu biểu như : ứng dụng công nghệ màng điều chế một số axit hữu cơ, vitamin C, làm tinh sạch các axit amin, sản xuất các hoocmon tăng trưởng (ngành công nghiệp hóa chất và dược phẩm) ; lọc loại bỏ vi khuẩn ra khỏi sữa trong quá trình tiệt trùng sữa, tách loại các hạt chất béo ra khỏi sữa, sản xuất phomat lỏng, khử khoáng trong sữa, sản xuất các protein có thể thủy phân trong sữa,…( ngành chế biến sữa); quá trình màng tham gia vào công đoạn làm trong và ổn định nước ép hoa quả, cô đặc nước ép, loại bỏ axit để khử bớt độ chua của nước ép, khử bớt khoáng nước ép có đường (ngành sản xuất nước hoa quả); các quá trình vi lọc để làm trong và ổn định axit tartric có trong rượu vang, làm trong và khử cồn của bia (ngành công nghiệp đồ uống có cồn) ; màng Nafion chọn lọc ion H + làm tăng hiệu suất của phản ứng giữa H 2 và O 2 nhằm tăng hiệu suất của pin nhiên liệu.
Tuy nhiên, đến tận những năm đầu thế kỉ XXI, Việt Nam mới tiếp cận với công nghệ tiên tiến này, chủ yếu là sử dụng các màng lọc thương mại của Nhật Bản, Mỹ áp dụng trong một số hệ thống xử lý nước thải như nước thải sinh hoạt của một số khách sạn, nhà hàng lớn, nước thải của nhà máy bia Hà Nội, Công ty Coca Cola Hà Nội, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam chi nhánh ở Đà Nẵng, Bắc Ninh, Tân Bình, hệ thống xử lý nước thải ngành chế biến cao su, nước thải của một số bệnh viện đa khoa,… Về nghiên cứu, cũng đã có một số công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ màng trong xử lý nước và nước thải của trường ĐHBK TP. Hồ Chí Minh, Đại học Xây dựng, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam,…
Nắm bắt được xu thế đó, Viện Công nghệ moi trường đã phối hợp với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ màng đến từ Pháp, Ý, Nhật, Úc để tổ chức 3 lớp học quốc tế về Công nghệ màng vào các năm 2011, 2014, 2017. Tiếp theo đà đó, Viện Công nghệ môi trường cũng đã có một vài đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ màng trong xử lý nước, tuy nhiên vẫn còn quá khiêm tốn so với tiềm năng thực sự của công nghệ tiên tiến này. Do đó, việc đẩy mạnh hướng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ màng trong xử lý môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan là nhu cầu thực sự cần thiết, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai ứng dụng của Viện Công nghệ môi trường. Trong khi đó, một số chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ môi trường đã không còn phù hợp. Vì vậy việc chuyển đổi Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ môi trường thành một trung tâm mới với chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu và phát triển công nghệ màng là phù hợp.