Tin tức
Thống kê truy cập
5500070
Đang trực tuyến: 45
Trong tháng: 14405
Tổng số: 5500070

Khoa học - Công nghệ nước ngoài

Những đột phá khoa học năm 2014
Thứ Năm, 25/12/2014 | 12:00 SA

Tạp chí Science vừa công bố top 10 đột phá khoa học trong năm 2014. Nếu như năm 2012 và 2013, vị trí đầu tiên trong số những đột phá khoa học lần lượt là là khám phá “hạt của Chúa” và “liệu pháp miễn dịch ung thư”. Năm nay, sự kiện tàu vũ trụ Rosetta mang theo tàu đổ bộ Philae của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đáp lên sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko tìm hiểu sự sống đứng đầu danh sách.

1. Hạ cánh xuống sao chổi

Đột phá khoa học của năm 2014 được các biên tập viên của tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, Science, bình chọn là nhiệm vụ tàu vũ trụ Rosetta nghiên cứu sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Trong tháng 11, tàu đổ bộ của Rosetta, mang tên Philae, đã lần đầu tiên hạ xuống bề mặt của một sao chổi. Hiện giờ, con tàu mẹ đang bám theo sao chổi này khi nó tiếp tục ở quỹ đạo của nó, chụp ảnh và phân tích các luồng khí phát tán từ 67P khi nó gần tới vị trí gần Mặt trời nhất vào tháng 8/2015. Các thông tin do con tàu gửi về Trái đất sẽ cung cấp cho các nhà khoa học những manh mối có giá trị về Hệ Mặt trời được hình thành như thế nào và Trái đất đã nhận được các hóa chất của nó từ đâu, bao gồm cả nước vốn là một thành phần thiết yếu của tất cả sự sống được biết.

 

 

Figure 

 

  Ảnh: Sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko bắt đầu phun các luồng hơi nước không giống như nước trong các đại dương của Trái đất.

 

Sao chổi là một đám bụi, băng đá và các phân tử hữu cơ kết dính với nhau và bản thân nó không chứa đá. Tuy nhiên, Philae đã hạ xuống một nơi cứng, bên cạnh một thứ trông rất giống một tảng đá. Do có quá ít ánh sáng mặt trời để sạc pin, con tàu đổ bộ chỉ có 57 giờ để thu thập dữ liệu trước khi hết pin. Người ta đã thuật lại những khoảnh khắc cuối cùng buồn bã của nó: "Tôi cảm thấy hơi mệt, bạn đã nhận được tất cả các dữ liệu của tôi chưa? Có thể tôi chợp mắt một chút", nó nói.

 

Tất cả dữ liệu Philae gửi về đều sẽ rất có ý nghĩa, không chỉ vì 67P là vị trí thứ bảy ở ngoài Trái đất được khám phá bởi một tàu đổ bộ (trước đó là Sao kim, Sao hỏa, Mặt trăng, mặt trăng Titan của Sao thổ, và hai tiểu hành tinh khác.). Tầm quan trọng của việc hạ cánh mang nặng ý nghĩa cảm xúc và biểu tượng. Những người quản lý sứ mệnh dự kiến 80% tổng giá trị khoa học sẽ do tàu mẹ của Philae mang lại. Rosetta, tàu mẹ của Philae, đã tiếp cận sao chổi này vào tháng Tám và từ đó đã quay xung quanh nó, quan sát nó kỹ càng từ khoảng cách chỉ 10 km.

 

 

Figure

Ảnh: Rosetta sẽ quay quanh và nghiên cứu 67P trong suốt năm 2015.

 

Nhiệm vụ nghiên cứu sao chổi có chi phí gần 1,4 tỷ euro này được triển khai năm 2004, các kỹ sư đã sử dụng đến lực hấp dẫn của Sao Hỏa và Trái đất để đưa con tàu vũ vào quỹ đạo 6,5 năm hình  elip của sao chổi. Khi Rosetta bắt kịp với 67P, sao chổi này vẫn còn ở xa mặt trời và lạnh lẽo. Vì nó lao hướng về mặt trời, nên băng đá của nó đã bắt đầu thăng hoa, phóng ra các luồng khí và bụi. Hoạt động đỉnh điểm sẽ diễn ra vào tháng 8 năm 2015 tại điểm cận nhật, khi sao chổi nằm giữa quỹ đạo của Trái đất và Sao hỏa. Bằng cách quan sát sự phát triển và thay đổi của các luồng khí và bụi, các nhà khoa học có thể biết các sao chổi thay đổi như thế nào mỗi khi chúng tiếp cận Mặt trời. Sau đó, bằng cách loại trừ những quá trình đó, họ có thể quay ngược thời gian và biết được các sao chổi được hình thành như thế nào vào khoảng 4,5 tỷ năm trước.   

 

2. Những người máy hợp tác với nhau

   

Figure

    Những con robot nhỏ hình đĩa xếp theo hình chỉ là một trong những ví dụ về sự tiến bộ của năm về các máy móc tự tổ chức.

Robot ngày càng làm việc tốt hơn với con người, nhưng năm nay một số nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng các máy móc này cũng có thể làm việc cùng nhau, không cần sự giám sát của con người. Vào thời điểm khi các nhà nghiên cứu robot vẫn đang cố gắng cải thiện từng robot cá nhân cảm nhận môi trường xung quanh và đối phó với những tình huống mới, thì việc cho phép các nhóm robot thực hiện các nhiệm vụ riêng của chúng có vẻ là hơi sớm. Nhưng sau nhiều năm làm việc, các nhà nghiên cứu đã tạo ra được phần mềm mới và các robot tương tác có khả năng hợp tác trong các nhiệm vụ thô sơ. 

Trong một nghiên cứu, một ngàn robot kích thước bằng đồng 25 xu của Hoa Kỳ đã tập hợp cùng nhau như đội diễu hành để tạo thành các hình vuông, chữ cái, và các hình 2D khác. Điều này đòi hỏi các robot rẻ, dễ hoạt động có thể cảm nhận hiệu quả vị trí của các robot khác. Trong một dự án khác, 10 quadcopters (máy bay trực thăng mini) đã liên lạc với nhau về vị trí và điều chỉnh đường đi của chúng để tránh va chạm và bay theo đội hình, tạo ra một vòng tròn xoay. Nhóm robot thứ ba, lấy cảm hứng từ mối, được lập trình để xây dựng các cấu trúc đơn giản, hợp tác với nhau bằng cách cảm nhận sự tiến triển và suy luận về bước tiếp theo cần thực hiện. Còn trong một thí nghiệm khác, một đội tàu robot đã thực hiện diễn tập nhóm tương đối phức tạp, dưới sự chỉ huy của một máy tính trung tâm theo dõi chúng với một hệ thống camera đặc biệt.

 

Cho đến nay, tất cả các robot hợp tác dựa trên thông tin cục bộ tương đối thô về môi trường của chúng và một robot khác, nhưng cả chúng và cảm biến của chúng đang được cải thiện nhanh chóng. Những kỳ tích hợp tác cao hơn và ấn tượng hơn, chắc chắn còn ở phía trước.   

3. Sự ra đời của loài chim 

  

Figure 

     Lông vũ cũng phổ biến ngay cả ở những con khủng long, như Kulindadromeus, không có quan hệ gần với các loài chim.

Phải mất rất lâu để biến người anh em họ chậm chạp của Tyrannosaurus rex thành những con chim ruồi nhanh nhẹn và thiên nga duyên dáng. Năm nay, các nhà sinh học tiến hóa đã tìm ra phương thức và tiến độ của quá trình biến đổi tiến hóa ngoạn mục từ khủng long thành các loài chim.

 

Các phân tích của họ kết thúc 2 thập kỷ khám phá các hóa thạch, chủ yếu ở Trung Quốc, cho thấy rằng những đổi mới giống chim - cụ thể là lông vũ - đã xuất hiện nhiều lần ở các loài khủng long, rất lâu trước khi những con chim đầu tiên xuất hiện. Lông vũ, có vẻ như không chỉ để bay, mà còn để cách nhiệt, làm duyên, hoặc có thể cân bằng.

 

Trong năm 2014, một số nhóm đã biên soạn và phân tích dữ liệu ở nhiều hóa thạch khủng long và chim ban đầu cũng như các loài chim còn tồn tại, để xem khi nào những đặc điểm giống chim đã thực sự xuất hiện. Một nghiên cứu đã so sánh 850 đặc điểm hình thái ở 150 loài; một nghiên cứu khác đo độ dày xương chân của 426 loài. Họ đã phát hiện ra rằng những con khủng long cuối cùng phát triển thành chim đều có xương nhỏ hơn và tinh tế hơn theo thời gian.

 

Một khi cơ thể chim đã hoàn chỉnh, các loài gia cầm mới đã phát sinh khá nhanh chóng, có lẽ do kích thước nhỏ của chúng cho phép chúng tìm kiếm thức ăn và nơi trú ẩn mà thân nhân to lớn của chúng không thể khai thác. Chim cất cánh bay được, nhưng tổ tiên khủng long của chúng đã cho chúng sự chạy đà hoàn hảo.    

4. Huyết thanh tuổi trẻ

 

 

 

Figure

 

Những con chuột già mạnh mẽ khi hệ thống tuần hoàn của chúng được liên kết với những con chuột trẻ, do những nguyên nhân chưa được biết.

 

Năm nay, trong một công trình có ý nghĩa sâu sắc đối với lão hóa, các nhà nghiên cứu đã cho thấy rằng máu hay các thành phần máu từ một con chuột trẻ có thể hồi xuân cơ bắp và não của một con chuột già. Nếu các kết quả ở người cũng như vậy - ý tưởng này đang được thử nghiệm - thì các nhân tố trong máu trẻ có thể cung cấp thuốc giải độc cho sự lão hóa mà nhân loại đã mất công tìm kiếm từ lâu.

 

Những phát hiện này phát triển từ các thí nghiệm lạ lùng từ 150 năm trước, trong đó các nhà nghiên cứu khâu da của hai con chuột với nhau để nối hệ tuần hoàn của chúng. Trong đầu những năm 2000, phương pháp này được hồi sinh để nghiên cứu tế bào gốc. Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng khi họ nối hệ tuần hoàn của những con chuột trẻ với con chuột già, các tế bào gốc cơ bắp ở những con chuột già đã có thể tái tạo cơ bắp tốt hơn.

 

Công trình công bố năm 2014 đã củng cố bằng chứng cho thấy có gì đó trong máu tuổi trẻ có thể đảo ngược nhiều dấu hiệu lão hóa. Một nhóm đã nghiên cứu một yếu tố được phân lập từ máu chuột trẻ gọi là GDF11, đã cho thấy làm tim trẻ lại. Họ phát hiện ra rằng nó cũng có thể tăng sức mạnh và sức chịu đựng cơ bắp của một con chuột già và thúc đẩy tăng trưởng tế bào thần kinh trong não. Một nhóm nghiên cứu khác đã báo cáo rằng máu của chuột trẻ tuổi, hay thậm chí huyết tương không có tế bào, tăng cường bộ nhớ không gian của một con chuột già.

Hiện giờ, trong thử nghiệm lâm sàng đầu tiên, 18 bệnh nhân Alzheimer trung niên và cao tuổi được nhận các mũi tiêm huyết tương từ những người trẻ hiến tặng. Vào thời điểm này sang năm, chúng ta có thể biết liệu máu của tuổi trẻ có thể chống lại một trong những bệnh đáng sợ nhất của sự lão hóa hay không.   

5. Các chip máy tính mô phỏng não   

 

Figure 

    Các chip “giống nơron" có thể thực hiện các nhiệm vụ xử lý nhiều dữ liệu như nhìn. 

John von Neumann  cuối cùng có thể đã gặp được đối thủ của mình. Gần 70 năm trước đây, nhà bác học gốc Hungary này đã phác thảo ra thiết kế cơ bản của máy tính hiện đại, với các bộ phận xử lý, bộ nhớ và điều khiển riêng biệt. Nhưng năm nay, các kỹ sư máy tính tại IBM và các công ty khác tung ra một sự thay thế đầy hứa hẹn:  chip "mô phỏng nơron" quy mô lớn đầu tiên, được thiết kế để xử lý thông tin theo các cách giống hơn với các bộ não sống.

 

Chip dựa trên kiến trúc của von Neumann thực hiện tốt các trình tự thao tác logic, chẳng hạn như những xử lý bảng tính và văn bản. Nhưng chúng gặp khó khăn trong việc tích hợp một lượng lớn dữ liệu, chẳng hạn như nhìn.

 

Não của chúng ta có một cách tiếp cận rất khác. Các nơron thần kinh riêng lẻ giao tiếp với hàng ngàn nơron lân cận của chúng thông qua các tín hiệu hóa học, cho phép não bộ xử lý rất nhiều thông tin song song. Các vùng não khác nhau cũng chuyên biệt để cho hiệu quả cao hơn.

 

Mạng lưới 100 tỷ tế bào của bộ não được liên kết bởi 100 nghìn tỷ khớp thần kinh vẫn vượt xa năng lực của mọi chip phỏng theo nơron. Nhưng con chip TrueNorth mới của IBM bao gồm 5,4 tỷ bóng bán dẫn và 256 triệu "khớp thần kinh", và công ty đang tiên hành ghép nhiều TrueNorths với nhau để xây dựng các mạng lưới phức tạp hơn. Trong tương lai, bộ vi xử lý giống não có thể biến đổi các lĩnh vực như thị giác máy và giám sát môi trường, tích hợp dữ liệu thời gian thực từ các cảm biến từ khắp nơi trên thế giới.   

 

6. Tế bào có thể chữa tiểu đường

 

Figure 

    Các tế bào β tuyến tụy người được tạo ra trong phòng thí nghiệm sản xuất đủ insulin (màu xanh) để chữa trị một con chuột bị tiểu đường sau 2 tuần cấy ghép.

Kể từ khi phát hiện ra các tế bào gốc phôi (ES) của người, các nhà nghiên cứu đã hy vọng có thể sử dụng chúng chống lại bệnh tật. Nhưng những tiến bộ diễn ra chậm chạp, ví dụ trong hơn một thập kỷ, các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đã tìm cách biến các tế bào ES thành các tế bào tuyến tụy được gọi là tế bào β. Các tế bào β phản ứng với sự tăng đường trong máu bằng cách tạo ra insulin, một hormone cho phép các tế bào hấp thu và sử dụng glucose. Sự tấn công tự miễn dịch tiêu diệt các tế bào β dẫn đến bệnh tiểu đường type 1; việc thay thế chúng bằng các tế bào phát triển trong phòng thí nghiệm có thể chữa được căn bệnh này.

 

Năm nay, các nhà nghiên cứu đã tiến gần hơn bao giờ hết đến mục tiêu đó, khi hai nhóm nghiên cứu công bố các phương pháp cho các tế bào phát triển tương tự như tế bào β của người. Một phương pháp sử dụng cả các tế bào ES và các dẫn xuất tế bào gốc đa năng - các tế bào tái lập trình có thể được làm từ tế bào da của bệnh nhân. Công thức rất phức tạp, và phải mất 7 tuần để biến đổi các tế bào gốc biến đổi thành các tế bào sản xuất insulin. Nhưng các nhà nghiên cứu có thể phát triển 200 triệu tế bào giống β trong một chiếc bình 500 ml - về lý thuyết, đủ để điều trị cho một bệnh nhân. Phương pháp kia mất 6 tuần và có thể sản xuất một tế bào giống β với mỗi hai tế bào ES ban đầu.

 

Để sử dụng các tế bào này điều trị bệnh tiểu đường type 1, các nhà nghiên cứu cần phải phát triển những cách bảo vệ chúng khỏi các phản ứng tự miễn dịch có thể tiêu diệt các tế bào β ở địa điểm đầu tiên. Trong khi đó, các tế bào trưởng thành theo yêu cầu cung cấp cho các nhà khoa học một cơ hội chưa từng có để nghiên cứu bệnh tiểu đường trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu để so sánh các tế bào β làm từ tế bào da của người khỏe mạnh với những tế bào từ các bệnh nhân tiểu đường, hy vọng xác định được những khác biệt quan trọng.    

7. Tranh hang động của châu Âu có đối thủ 

Figure 

    Các nghệ sĩ cổ xưa thổi chất màu đỏ để trên bàn tay của mình để tạo ra tranh nghệ thuật hang động này trên đảo Sulawesi từ ít nhất 40.000 năm trước. 

Trong nhiều thập kỷ, du khách đã ngạc nhiên trước tranh tường thời tiền sử trong các hang động Maros trên đảo Sulawesi, Indonesia: các khuôn tay đã được phác thảo bằng cách lấy miệng thổi thuốc màu đỏ, những hình ảnh lẫn lộn của "heo-nai" hiếm hoi trong sắc màu đỏ và dâu. Năm nay chúng đã nổi lên như là một kỳ quan. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những hình ảnh này, được cho là khoảng 10.000 năm tuổi, thực tế có tuổi cao gấp bốn lần, ít nhất cũng cổ xưa như nghệ thuật hang động nổi tiếng ở châu Âu.

 

Phát hiện này có thể viết lại lịch sử của một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển trí tuệ loài người. Con người ở châu Phi đã khắc những mẫu hình học trên các khối hematit và trên vỏ trứng đà điểu từ 78.000 năm trước đây. Nhưng nghệ thuật mang tính biểu tượng đầu tiên dường như nở rộ giữa 35.000 - 39.000 năm trước ở châu Âu, nơi các nghệ sĩ đã vẽ các đại diện sống động của tê giác, ngựa, sư tử, và phụ nữ, nổi bật nhất là ở Hang Chauvet tại Pháp. Một số nhà khảo cổ học cho rằng sự bùng nổ sáng tạo châu Âu phản ánh bước tiến mới về khả năng của con người, nhưng những người khác cho rằng các năng lực về biểu tượng đã được phát triển ở châu Phi, trước khi người hiện đại rời bỏ lục đó để tỏa ra khắp thế giới.

 

Niên đại mới ở Indonesia kết thúc sự độc quyền của châu Âu về nghệ thuật tượng trưng ban đầu. Bằng cách đo phân rã phóng xạ uran trong những phát triển giống nhũ đá nhỏ hình thành trên đỉnh các bức tranh, các nhà nghiên cứu Australia và Indonesia đã thấy rằng mẫu tay có ít nhất 39.900 năm tuổi và những bức tranh động vật ít nhất là 35.400 năm. Nếu những số liệu này chính xác, họ cho rằng con người ở Indonesia đã độc lập phát minh ra nghệ thuật biểu tượng cũng sớm như các họa sĩ hang động của châu Âu - hay con người hiện đại đã là những nghệ sĩ tài ba khi họ di cư ra khỏi châu Phi bắt đầu khoảng 60.000 năm trước đây.   

8. Điều khiển trí nhớ

 

Figure 

    Bằng cách dùng ánh sáng kích thích các tế bào não của chuột, các nhà nghiên cứu có thể tạo ra, xóa, hoặc thay đổi ký ức. 

Trí nhớ nổi tiếng là không ổn định. Hồi ức của chúng ta phai nhạt và đón nhận những ý nghĩa mới; đôi khi chúng ta nhớ những điều thậm chí chưa hề xảy ra. Nhưng những gì diễn ra trong bộ não của chúng ta như trí nhớ được thiết lập lại như thế nào vẫn còn là điều bí ẩn.

 

Tuy nhiên gần đây, các nhà khoa học đã bắt đầu nắm bắt và chắp nối cơ sở vật lý của bộ nhớ. Năm ngoái, trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra các cách thao tác các ký ức cụ thể ở chuột bằng cách sử dụng optogenetics, một kỹ thuật mạnh mẽ có thể kích hoạt các tế bào thần kinh trong não của động vật bằng cách chiếu ánh sáng laser vào chúng. Trong một loạt thí nghiệm, họ đã cho thấy rằng họ có thể xóa những ký ức hiện tại và "nhập" những ký ức giả.

 

Năm nay, các nhà nghiên cứu thậm chí còn tiến xa hơn: chuyển đổi nội dung cảm xúc của trí nhớ ở chuột từ xấu thành tốt và ngược lại. Ví dụ dưới ánh sáng laser, những con chuột đực từng liên quan đến một vùng nhất định bị sốc đã bị lừa thành hành động như thể chúng đã từng gặp chuột cái thân thiện.

 

Cho dù những con chuột trong thí nghiệm có thực sự trải qua những ký ức sống động sai hoặc chỉ là một cảm giác vui vẻ hay sợ hãi mờ ảo hay không vẫn chưa rõ ràng. Hoặc vẫn không rõ liệu các kết quả này có tác dụng tương tự ở người hay không. Những tiến bộ điều trị tìm kiếm từ lâu, chẳng hạn như phương pháp điều trị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, có thể vẫn còn xa vời. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là: Một khi được xem xét vượt ra ngoài phạm vi khoa học, bộ nhớ cuối cùng cũng bắt đầu có được những bí mật của nó.

 

9. Cho sự sống thêm chữ cái gen

Khắp nơi trên Trái đất, mã di truyền đều ở trung tâm của các sinh vật sống bao gồm bốn chữ cái di truyền giống nhau. Nhưng trừ ở một bình vi khuẩn Escherichia coli trong một phòng thí nghiệm ở Nam California (Hoa Kỳ). Ở đó, các nhà nghiên cứu trong năm nay đã thiết kế vi khuẩn này để đưa thêm hai chữ cái vào bảng chữ cái di truyền của chúng. Ngoài các nucleotide tự nhiên, trong đó cặp G với C và A cặp với T, ADN của vi khuẩn này còn có một cặp mới: X và Y.  

 

Figure 

   
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã phát minh ra một số cặp bazơ nucleotide "không tự nhiên", trong ống nghiệm, có thể ghép vào chuỗi xoắn kép ADN. Họ cũng có thể làm cho máy sao chép ADN, một enzyme có tên là polymerase ADN, sao chép một số cặp mới này. Nhưng cho đến năm nay, chưa có ai làm được tất cả điều đó bên trong các sinh vật sống.

 

Hiện giờ, các chữ cái mới trong ADN E. coli không mã hóa bất cứ điều gì, nhưng về nguyên tắc, các nhà nghiên cứu có thể sử dụng chúng để tạo ra các protein có các khối kiến thiết cơ bản "phi tự nhiên": các axit amin ngoài 20 loại được mã hóa bởi các bazơ trong ADN bình thường. Các nhà nghiên cứu trước đây đã sử dụng các thủ thuật di truyền để làm điều đó với ADN tự nhiên. Nhưng việc thêm cặp X-Y mới sẽ làm cho quá trình này trở nên dễ dàng hơn nhiều. Đó có thể là điều may mắn cho các nhà sản xuất thuốc và vật liệu. Và có lẽ không chỉ có vậy: Năm nay, trong một nỗ lực song song để điều chỉnh ADN, các nhà sinh học tổng hợp cũng đã biến đổi thành phần hóa học của nó để tạo ra các chất xúc tác mới.

 

Cuối cùng, mã di truyền mở rộng cũng có thể phục vụ nhiều hơn cho nghiên cứu, cho phép các nhà nghiên cứu kiểm tra xem liệu vi khuẩn được trang bị thêm các chữ cái có thể phát triển các kỹ năng mới không thấy trong họ hàng hoang dã của chúng hay không. Điều đó nghe có vẻ giống như một kịch bản cho một phim kinh dị, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng chúng ta không phải lo lắng: Bởi vì các chữ cái ADN phi tự nhiên không tồn tại được bên ngoài phòng thí nghiệm, bất cứ vi khuẩn nào thoát ra sẽ không thể tái tạo các chỉ dẫn di truyền mở rộng nhân tạo của chúng và truyền lại cho hậu duệ của chúng.    

10. Sự nổi lên của vệ tinh nhỏ    

Figure

 

Một thập kỷ trước, các vệ tinh nhỏ (CubeSats) chỉ là dụng cụ học tập, một cách cho sinh viên đại học đưa một Sputnik đơn giản vào vũ trụ. Nhưng bây giờ, những khối lập phương10 cm, được chế tạo bằng công nghệ phổ thông với chi phí vài trăm ngàn đô la chứ không phải hàng trăm triệu, đã được đưa lên quỹ đạo. Hơn 75 vệ tinh loại này được phóng lên trong năm nay, một kỷ lục. Hơn nữa, những chiếc hộp nhỏ bé đang bắt đầu làm nghiên cứu khoa học thực sự.

CubeSats có thể được quá giang trên một tên lửa thương mại hoặc tên lửa chở tàu vũ trụ lớn hơn. Tỷ lệ phóng nhanh đang khuyến khích điều chưa từng có trong không gian: chấp nhận rủi ro. Các nhà thiết kế có thể chịu được một hoặc hai thất bại và nhanh chóng trở lại cuộc chơi. Khi công nghệ phát triển, họ cũng có thể nhận được các tấm pin mặt trời, ắc-quy, hay bộ vi xử lý tốt hơn.

 

Đầu tư tư nhân cũng đã gây chú ý, các công ty như Planet Labs, giám sát Trái đất với một bầy CubeSats. Các kính thiên văn nhỏ của họ chụp ảnh tuy có độ phân giải tương đối thấp-một vài mét- nhưng trong khoảng thời gian thường xuyên. Các cơ quan gián điệp có thể không bị quyến rũ, nhưng dữ liệu của Planet Labs rất hữu ích để theo dõi tình trạng phá rừng, phát triển đô thị, và những thay đổi sông, hồ.

 

Sắp tới, các CubeSats sẽ nói chuyện được với nhau trong khi lấy số đo. Ngoài những thứ khác, các chùm CubeSat như vậy sẽ có thể bao trùm diện tích rộng lớn hơn, nhanh hơn, hay theo dõi bề mặt của Trái đất ở một số bước sóng cùng một lúc. Nếu chúng làm được như vậy, CubeSats sẽ chứng minh rằng nhỏ không chỉ đẹp, mà còn cho thấy tổng thể của nó to lớn hơn nhiều tổng các bộ phận của nó cộng lại.